Sài Gòn ,Chợ lớn xưa là vùng đất đầm lầy , trũng nước giao thông chủ yếu bằng đường thủy .Quá trình phát triển thuở ban đầu những kinh rạch được đào để thuyền bè qua lại thuận lợi giao thông trong vận chuyển hàng hóa …Nhưng càng về sau nhu cầu cùng sự phát triển của phương tiện đường bộ vượt bậc.. Kinh ,rạch bị lấp dần hình thành mạng lưới giao thông thành phố phát triển như ngày hôm nay .
Em còn nhớ hay em đã quên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ nên một Sài Gòn với những hình ảnh tuyệt đẹp và lãng mạn : “ em còn nhớ hay em đã quên…nhớ đường dài qua cầu lại nối, những con sông nối bao dòng kênh..”
Sài Gòn với lần đầu gặp gỡ chắc sẽ để lại trong lòng nhiều người những ấn tượng về sông nước : về con sông mang tên thành phố , về những dòng kênh , rạch đan xen một cách kỳ thú .
Sông Sài Gòn đủ to , đủ rộng nhưng không dữ dội (và cả “cằn cỗi”) như sông Hồng của Hà Nội, nó cũng có chút lãng mạn nhưng không thể ví với sông Hương của Huế, nó cũng chưa gọn gàng, thanh sạch như sông Hàn chảy qua Đà Nẵng… Sông Sài Gòn uốn khúc trong lòng thành phố, là một phần của thành phố. Nhưng thế vẫn là chưa đủ nếu nói về sông nước Sài Gòn… nhận diện Sài Gòn không thể không nói tới những dòng kênh. Nếu như Hà Nội được gọi là thành phố của ao hồ, thì Sài Gòn là thành phố của kênh rạch chằng chịt. Kênh rạch từng được coi là “mặt tiền” của Sài Gòn xưa, là “kinh mạch” mở ra một đô thị. Thành phố hình thành, tồn tại và phát triển vẫn phải nương vào yếu tố đó . Các trục đường lớn khu trung tâm thành phố hiện nay là các dòng kênh rạch xưa kia .
Một trong những con rạch ở khu trung tâm thành phố : Rạch Cây cám xưa trở thành đường Lê Thánh Tôn hiện nay . Bắt đầu từ Thảo Cầm Viên, rạch Cây Cám chảy theo vách thành Gia Ðịnh cũ, tức chạy dọc theo đường Lê Thánh Tôn – Nguyễn Hữu Cảnh ngày nay. Con kênh tiếp giáp với kênh chợ Vải, tức đường Nguyễn Huệ.
Tên gọi Cây Cám xuất phát từ loại cây lá có phấn mịn như cám, mọc cạnh kênh. Con kênh bùn lầy được lấp bằng vào năm 1884 và sau này thành trục đường quan trọng chạy trước mặt UBND TP HCM hiện nay .
Đường Lê Thánh Tôn hiện thuộc quận 1 , thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 1,8km , là đường một chiều đi từ đường Tôn Đức thắng đến đường Phạm Hồng Thái. Đường giao cắt với rất nhiều đường như: Lê Anh Xuân, Trương định, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Đồng khởi,…Đây cũng là con đường có nhiều địa điểm nổi tiếng của thành phố : Sở kế hoạch đầu tư , Tòa kinh tế , sở Giáo dục và đào tạo Thành phố , trung tâm thương mại Vincom Center – một trong những trung tâm thương mại nổi tiếng nhất hiện nay ..và rất nhiều các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên bán thực phẩm, nguyên vật liệu đặc sản châu Á Hàn quốc, Nhật bản…Người ta nói rằng muốn nấu bất cứ món ăn nào của Nhật bản và Hàn quốc thì đều có thể tìm thấy thực phẩm , nguyên liệu thậm chí đã được sơ chế sẵn tại các cửa hàng ở con đường Lê Thánh Tôn này .
Sài Gòn hôm nay , sải bước trên con đường nhộn nhịp phố hội để nhớ về một con kênh nhỏ xưa kia , là một trong 5 con kênh quan trọng trung tâm của Sài Gòn kênh rạch ngày ấy : rạch Cây Cám .,.
Xuân Lan (Saigonese)