Sự hòa quyện giữa tự nhiên và đô thị vốn là bản chất của quy hoạch đô thị khi coi trọng sự thiêng liêng của nơi cư trú đồng nghĩa với gắn kết các hệ sinh thái đã nuôi dưỡng loài người, từ những bộ lạc hoang dại thành các quốc gia hùng mạnh. Điều đáng lưu ý là tất cả các thành phố lớn, nhỏ đại diện cho các nền văn minh cổ đại đều gắn với các dòng sông mẹ (nền văn minh Lưỡng Hà với Babylon, Assyria, Phoenicia bên sông Euphrates và Tigris; Ai Cập với Thebes, Memphis bên sông Nile; sông Hằng với nền văn minh Ấn Độ). Chính vì vậy, mọi lý thuyết quy hoạch đô thị ban đầu đều thiết lập cho được sự cân bằng (nội tại) giữa yếu tố nhân tạo với yếu tố tự nhiên mà khởi đầu là ứng xử với những hệ sinh thái nước: dòng sông, biển, hồ, đầm phá, kênh rạch, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn.
Ở Việt Nam, chỉ có Sài Gòn phát triển đô thị hiện đại trên hai nền địa lý đất và nước (từ chuyên môn gọi là địa lý cao thấp – địa hình địa mạo và địa lý thủy văn). Bởi Sài Gòn ba trăm năm trước, từ khởi thủy đã không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng “đô thị nằm giữa lòng sông nước” với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của thành phố (sông, kênh rạch và biển Cần Giờ) làm nền cho tất cả các quy hoạch đô thị là hết sức cần thiết.
Do có những gò đất cao nằm giữa các sông rạch, nên Sài Gòn là nơi tụ cư sớm nhất, lại nằm giữa đầu mối giao thông giữa Đông – Tây, Cao Miên (Campuchia) và cao nguyên, mà hình thành đô thị một cách thuận lợi.
Gò đất cao nhất, được người Việt khai phá đầu tiên, đặt tên là Tân Khai (đỉnh là khu vực Đài truyền hình ngày nay), trải dài từ rạch Thị Nghè đến ngã ba sông Sài Gòn (tên chúa Nguyễn đặt là Tân Bình Giang) và rạch Bến Nghé (còn gọi là Kênh Tàu Hũ từ khi Chợ Lớn hình thành). Từ gò Tân Khai nhìn ra bốn hướng, đều gặp hàng hà sa số các ao hồ, kênh rạch, sông suối đan xen chằng chịt với rừng rẫy, gò đồi. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh lớn Thị Nghè và Bến Nghé để lượn ra con sông mẹ êm đềm, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất khoáng đạt này.
Các con rạch Thị Nghè, Bến Nghé, ngay từ thời chúa Nguyễn và sang thời Pháp, được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy, cho công cuộc đô thị hóa đầu tiên cuối thế kỷ 19 để Sài Gòn trở thành một “Hòn ngọc viễn đông” trong mắt cả vùng Đông Nam Á.


Đầu thế kỷ 20, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn được san lấp để làm các đại lộ và đường phố rộng lớn (kênh Chợ Vải thành đại lộ Charner sau này là Nguyễn Huệ, rạch Cầu Sấu thành đại lộ La Somme, Hàm Nghi…). Trong khoảng 20 năm (1894-1914), khu ao hồ sình lầy rộng lớn (đầm Boresse) được xây dựng thành khu phố chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa trung tâm. Năm 1928, chợ Bình Tây ra đời cũng trên nền một xưởng đóng thuyền trên kênh Hàng Bàng, đánh dấu thời kỳ mở rộng Sài Gòn về hướng Tây Nam. Trong nhiều thập kỷ sau đó, một loạt ao hồ, rạch suối lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định dần dần bị lấp làm đất ở, do bùng nổ dân cư di về thành phố trong chiến tranh và phát triển ồ ạt sau hòa bình.
Liên tục bốn thế kỷ, từ 17-20, đã biến đổi Sài Gòn từ một địa danh không tên tuổi trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị, dẫn đầu về giao thương quốc gia và quốc tế. Logo đầu tiên của Sài Gòn ghi dòng chữ Paulatim Crescam, nghĩa là Từ từ, tôi sẽ lớn. Và, Sài Gòn sông nước ấy đã lớn dần lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng… với rất nhiều các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay.
Ngược về lịch sử , Sài gòn là xứ sở của những dòng kênh giữa lòng đô thị . Hai tuyến kênh lớn, chủ đạo giao thông thủy, Bến Nghé – Tàu Hũ (khoảng 22 ki lô mét) và Nhiêu Lộc – Thị Nghè (khoảng 10 ki lô mét), vẫn được giữ nguyên và bồi đắp mới từ đầu thế kỷ 20 đến nay, qua bao thăng trầm đang trở thành niềm hy vọng vực dậy bản sắc sông nước của Sài Gòn, ngay tại trung tâm lịch sử thành phố với các nhà kiến thiết đô thị . Chúng có thể vừa là cảnh quan lịch sử, vừa là giao thông thủy và là môi trường trong lành như lá phổi thành phố.
Kênh Bến Nghé – Tàu Hũ, nối với kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), từng là “Con đường lúa gạo” từ miền Tây lên các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, sau đó đến bến cảng Khánh Hội để xuất đi khắp thế giới. Dọc theo con kênh này, người Pháp đã xây con đường hiện đại có tuyến xe trạm đầu tiên nối Sài Gòn – Chợ Lớn.
Từ thập niên 1920-1930, ở khu vực Cầu Mống và Cầu Quay (cầu Trịnh Minh Thế cũ) hình thành rõ nét khu phố tài chính – ngân hàng mà biểu tượng là trụ sở quyền uy – Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước). Các chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối là đầu mối nông sản, nối với phố người Hoa (Calmette, Phó Đức Chính…), phố người Ấn (Tôn Thất Đạm, Pasteur…). Và rồi, cả Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới đều xứng đáng là một “đặc khu di sản” bao gồm nhiều dấu tích Hoa, Việt, Khmer, Ấn độ về cả thương mại, văn hóa, tôn giáo…


Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chạy suốt từ quận 1, khởi đầu phải kể đến khu vực nhà máy đóng tàu Ba Son (thủy xưởng của Nguyễn Ánh năm 1789) và Thảo Cầm Viên (sở ươm cây và sở thú đầu tiên ở Đông Dương năm 1864), cũng là nơi quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ xâm chiếm Sài Gòn tháng 2-1859. Chảy đến đất quận 3, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, là những khu bình dân và nhiều nhà tạm đậm dấu ấn thời kỳ bùng nổ dân số trong chiến tranh.
Dòng kênh uốn khúc với rất nhiều cây cầu, đền chùa, nhà thờ, trường học… Sân bay Tân Sơn Nhất (ra đời từ 1930) kề cận với các khu ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hiện vẫn còn nhiều di tích kiến trúc và văn hóa nổi tiếng như tu viện Saint Paul, Bảo tàng Lịch sử, chùa Ngọc Hoàng, Lăng Ông, Viện đại học Vạn Hạnh, làm nên chuỗi các công trình văn hóa lịch sử chính của Sài Gòn.
Khu vực bến Bình Đông – đại lộ Võ Văn Kiệt, có thể trở thành các dãy cao ốc thương mại sầm uất nay mai .
Mười năm trở lại đây, với rất nhiều công sức, các tuyến kênh đã được phục hồi, mở rộng và làm sạch để trở thành hai tuyến trên bộ dưới thủy với dải cây xanh theo nó cùng nhiều tiện ích dân sinh.
Các dòng kênh giữa lòng đô thị vẫn đang tiềm ẩn nhiều tài nguyên vô giá cho phát triển đô thị trong kỷ nguyên của đô thị bản sắc và đô thị cảnh quan xanh thế kỷ 21. Mong chờ một Sài gòn như thế trong tương lai .,.
Xuân Lan (Saigonese)