Đại lộ Nguyễn Huệ (tên thời thuộc Pháp Charner) hiện nay là con đường dài 0,7 km, từ trụ sở UBND TP HCM đến bờ sông Sài Gòn.
Theo đồ án quy hoạch Sài Gòn của người Pháp, đường rộng 40 m, vỉa hè 4 m, mỗi bên có hai hàng cây mới được gọi là đại lộ (boulevard).
Để thuyền bè vào tận thành Bát Quái (thành cũ của Sài Gòn đã bị phá hủy), một kênh đào được hình thành mang tên Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay. Ngoài tên Kinh Lớn do chính quyền đặt, người dân lúc bấy giờ còn gọi là kênh Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.
Đối với người Pháp, con kênh này có tên Grand. Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner (nằm phía khách sạn Palace hiện nay). Đường Charner còn được gọi bằng Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán.
Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn.
Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp.
Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner / đường Kinh lấp được đổi tên thành Nguyễn Huệ . Qua nhiều giai đoạn lịch sử, nó vẫn là một trong những con đường sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn. Từ năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ lại xuất hiện chợ hoa. Theo tàu thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ. Hiện nay, nơi đây trở thành quảng trường đi bộ đầu tiên của cả nước và vẫn tổ chức đường hoa mỗi mùa Tết, thu hút cả triệu người thưởng lãm.
Vài năm trở lại đây , Đại lộ Nguyễn Huệ đã được cải tạo thành quảng trường đi bộ dài 670 m, rộng 64 m và toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND TP HCM đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với hai đài phun nước và hệ thống cây xanh.
Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Mỗi ngày có hàng nghìn người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đại lộ và phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành biểu tượng tham quan du lịch lớn của Sài gòn – Hồ Chí Minh , điểm vui chơi sầm uất nhất của người Sài gòn bởi không gian thoáng đãng với nhiều hoạt động hữu ích, thú vị , có các cửa hàng , quán ăn , quán Cà phê nhộn nhịp cùng với các khu chung cư hai bên đường thiết kế đẹp, ấn tượng .
Từ một bờ kênh Lấp xưa kia qua nhiều biến thiên của thời gian nay đã trở thành Đại lộ , phố đi bộ Nguyễn Huệ – con phố được ví như thiên đường của các hoạt động, là trái tim của Sài gòn hoa lệ , điểm hẹn lý tưởng của người dân địa phương và khách du lịch .,.
Xuân Lan (Saigonese)